Người đẹp nhất trong tôi
Người đẹp nhất trong tôi
Thế cũng tốt, tôi không muốn bạn bè tôi gặp bố. Đơn giảm vì bố là người lao động chân tay, mà điều đó đồng nghĩa với việc ngoại hình của bố không lúc nào sang trọng.
***
"Sắp nghỉ chưa con? Bao giờ thì về?"
Là tin nhắn của bố, tôi thở dài ngao ngán, xóa tin đi và nhét điện thoại vào trong cặp. Trong khi mấy đứa bạn cùng phòng được bố mẹ gọi điện hỏi thăm liên tục thì bố thỉnh thoảng mới nhắn cho tôi vài tin. Mặc dù tôi đã đăng kí gói cước sinh viên cho bố và sử dụng trong cùng một mạng nhưng bố luôn như vậy, những tin nhắn ngắn gọn, chỉ bao gồm nội dung thật cần thiết.
Tôi lấy tay, khều chiếc mũ ở trên bàn, lững thững bước ra ngoài. Buổi sáng mùa hè, trời đã hơi nắng gắt, nhưng không khí vẫn còn dễ chịu lắm, mấy đám mây trắng trôi từ từ trên nền trời xanh vô tư lự tạo một cảm giác hết sức trong lành.
- Trang ơi, mày không chuẩn bị đồ mà về đi. Ra ngoài làm gì đấy?
Cái Nga, con bạn cùng phòng, vừa gấp quần áo cất vào cái ba lô đen kiểu con trai vừa nói vọng ra ngoài. Tôi không trả lời, tiếp tục bước ra khỏi phòng, đi dọc hành lang, tôi muốn đi đâu đó cho thoải mái. Về nhà ư? Tôi không muốn về.
Nhà tôi ở một ngôi làng thuộc tỉnh Nam Định nhưng cách xa thành phố vài chục kilomet. Xa đô thị, xa "văn minh" nên sự lạc hậu và quê mùa luôn tràn ngập trong gia đình từ khi tôi sinh ra đến khi tôi bước chân vào giảng đường đại học.
Tôi vốn cũng là một đứa học khá, lớp 3, tôi được huyện cho lên trường chuyên học nhưng bố tôi không đồng ý vì trường ở xa nhà vả lại ở tận trên đường quốc lộ nên không có điều kiện cho tôi đi học. Thế là tôi lại tiếp tục học nơi trường cũ và vị trí của tôi được nhường lại cho một đứa bạn cùng lớp. Lên cấp hai, cô giáo chủ nhiệm lớp 7 của tôi ngỏ ý khuyên tôi nên tập trung học một vài môn chính để thi vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trước đó, tôi không hề biết đến Lê Hồng Phong là trường như thế nào. Nhưng từ đó tôi luôn khao khát rồi một ngày sẽ được học dưới mái trường ấy.
Lớp 8 cô giáo nói tôi cần phải đi học thêm kiến thức nâng cao nếu muốn thi vào trường thpt Lê Hồng Phong. Bấy giờ tôi mới kể cho bố mẹ nghe về những gì cô giáo nói. Bố không ủng hộ mà chỉ gạt đi: "Học thêm tận trên phố thì xa lắm, bố lại bận, không đưa đi được đâu. Thôi, học được đến đâu thì học."
Vậy là tôi không đi học thêm nhưng bao ước mơ thì vẫn thầm ấp ủ. Lớp 9, tôi dự thi violypic cấp tỉnh và kha khá thành tích đạt được cộng thêm thầy giáo chủ nhiệm thuyết phục, bố đồng ý đưa tôi đi dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường thpt chuyên Lê Hồng Phong. Nhưng tôi không hy vọng nhiều vì lượng kiến thức nâng cao tôi hoàn toàn thiếu hụt. Và đúng như những gì tôi lo sợ, tôi không đủ điểm đỗ.
Tôi về trường huyện thi. Ngày xem số báo danh, tôi gặp lại cậu bạn học cùng tôi hồi cấp 1, người đã thay tôi lên trường chuyên học. Cậu ấy khoe cậu đỗ top đầu lớp Anh ở trường Lê Hồng Phong. Tôi cười nhạt, lòng buồn rười rượi. Và cho đến tận bây giờ, bất cứ khi nào nghĩ về con đường học vấn tôi lại thấy hận bố. Nếu tôi có một người bố tốt hơn thì có lẽ bây giờ mọi chuyện đã tốt đẹp hơn rất nhiều...
Tôi đội mũ lên đầu, bước chầm chậm trên vỉa hè đông người qua lại. Tôi rẽ vào hàng xôi quen thuộc. Cầm gói xôi trên tay, tôi hít hà hơi nóng, hơi toát mồ hôi, mùa này ăn xôi thật là không thích hợp.
- Sao thế? Nóng lắm à con?
Bà hàng xôi cầm cái quạt nan phe phẩy cho tôi, tôi là khách quen mà, hơn nữa bà ấy cũng quý tôi hơn hết thảy.
- Bà ơi, cho một gói xôi.
Một người đàn ông đưa con đi học, dừng xe máy lại, ngồi trên xe đưa tiền xuống cho bà. Nhận lấy gói xôi, ông đưa cho cô con gái nhỏ đang ngồi phía sau, đợi cho con cất xôi vào trong cặp ông hỏi:
- Xong chưa con?
- Dạ, xong rồi bố ạ.
Lúc ấy người đàn ông mới tiếp tục đi.
- Sao họ luôn bận rộn thế nhỉ? – Tôi lẩm bẩm.
- Cuộc sống mà con.
Bà hàng xôi lại cầm quạt phe phẩy cho tôi.
- Nếu sống một mình thì ai mà chẳng muốn nhàn rỗi, người ta có vội vàng hay bận rộn cũng chỉ vì con cái cả. Thế, ở nhà con dưới ấy đã gặt chưa?
- Dạ, rồi bà ạ.
- Chắc bố mẹ ở nhà lại bận lắm đây.
Bà ấy đặt quạt xuống, rót một cốc nước chè tươi đặt nhẹ gần chỗ tôi. Thời điểm này, chắc ở nhà gặt xong cả rồi, đang chuẩn bị để vào vụ cấy. Bố tôi lúc này bận chắc rồi. Một năm có 365 ngày thì bố dành một nửa thười gian để đồng hành cùng chiếc máy cày phơi lưng ngoài đồng ruộng. Nửa thời gian còn lại bố đi kiếm việc làm thêm ở bất cứ nơi nào có thể. Bố hầu như không có ở nhà. Thế cũng tốt, tôi không muốn bạn bè tôi gặp bố. Đơn giảm vì bố là người lao động chân tay, mà điều đó đồng nghĩa với việc ngoại hình của bố không lúc nào sang trọng. Có đôi lần bạn bè hỏi tôi:
- Bố cậu làm nghề gì?
Tôi chỉ cười nhạt, nói tôi không rõ, chỉ biết bố luôn phải đi xa, rồi cố lảng sang chủ đề khác. Bố thường xuyên xa nhà, bất cứ công việc nào hợp pháp và có thể kiếm ra tiền là bố đều nhận làm. Một tháng hoặc hơn bố mới về nhà một lần. Và lần nào bố về, trong bữa ăn bố cũng kể những câu chuyện trong cuộc sống và dạy tôi những lẽ đời mà tôi không mấy hiểu. Những lúc ấy tôi thấy khó chịu vô cùng, vì với tôi, lo học là quá đủ rồi, đâu cần phải tiếp thu những triết lí xa vời ấy.
Rời khỏi hàng xôi, tôi cho hai tay vào túi quần jeans và rảo bước mà trong đầu chưa định hình được mình sẽ đi đến đâu. Tôi ước có một điều gì đó đủ quan trọng và có nghĩa để khiến tôi ở lại. Thật ra có về nhà lúc này tôi cũng chỉ có đi chơi thôi, tôi không phải đi cấy. Từ bé đến giờ bố mẹ chưa một lần nào để tôi phải thò chân xuống ruộng dù tôi có nghỉ hè và không bận học.
Đi được một đoạn, qua bưu điện, tôi thấy người ta đang làm apfic quảng cáo cho một cuộc triển lãm tranh. Tôi lại gần nhận lấy một tờ rơi, Đó là một bức tranh mang tên "Ba tôi", nhân vật trong tranh là một người đàn ông trung tuổi với mái tóc hoa râm và làn da nâu sạm, đôi mắt người đàn ông đó nhìn ra bến tàu như hoài niệm và chờ đợi. Những nét vẽ khá bình thường, tôi khẽ thốt lên:
- Bức tranh này cũng mang ra trừng bày ư?
- Cháu thấy nó không đẹp à?
Tôi quay ra, một bác trạc tuổi bố tôi nhưng có lẽ hơn đang đứng nhìn tấm apfic, trông bác ấy giống một người làm công chức. Tôi hơi ái ngại.
- À...dạ, không. Cháu chỉ nghĩ người ta phải trưng bày bức nào đẹp nhất mới phải chứ!
- Tranh đẹp là ở ý nghĩa cháu ạ! – Bác ấy quay sang tôi – Có thể bức tranh này rất bình thường nhưng nhân vật trong tranh lại là người đẹp nhất đối với tác giả.
Bác ấy nói rồi đi tiếp đến nơi bác ấy muốn đến, còn tôi thì chẳng biết đi đâu. Bỗng nhiên, tôi nhớ bố da diết. Tôi nhớ khi vào vụ cày, mỗi buổi tối sau khi ăn cơm xong, bố lại phải ngâm chân vào nước muối, đôi bàn chân với nhiều vết đứt dài ngắn làm bố đau đớn, những tiếng xuýt xoa khe khẽ khi nước muối thấm vào. Tôi nhớ lần tôi đi thi học sinh giỏi, bố đã nghỉ một ngày cày để đưa tôi đi thi.Ngay hôm sau, bố phải làm cố, trưa không về ăn cơm, mẹ mang cơm ra đồng để ăn xong bố làm luôn. Tôi nhớ những đêm hè, từng khớp xương đau nhức khiến giấc ngủ của bố chẳng trọn vẹn, những tiếng rên khẽ và trở mình liên miên. Tôi nhớ có lần công việc quá khó khăn, các bắp cơ của bố bị chuột rút liên hồi khiến bố không sao ngồi xuống ăn cơm được.
Bất giác tôi muốn về nhà với bố ngay lập tức. Tôi chạy thật nhanh về kí túc xá, lấy điện thoại ra tôi nhắn lại cho bố "Bố ơi, chiều nay 2h con về." rồi nhanh tay thu dọn tất cả đống lộn xộn trên giường.
- Mày lúc nào cũng vội vàng như vây, tao đã nhắc dọn đồ từ sớm thì không nghe.
Cái Nga lại than vãn. Tôi không nói, chỉ khẽ cười. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi bước xuống xe buýt thấy bố đang đứng đón bên chiếc xe máy đã từng chở tôi đi thi nhiều lần. Bố sẽ cười thật tươi và đưa tay đỡ hành lí cho tôi, và hai bố con sẽ về nhà trên con đường làng ít bị tác động bởi "văn minh".
- Cái gì thế? – Nga cầm tờ rơi tôi để ở bàn hỏi.
- Tấm vé về nhà của tao đấy!
Cái Nga nhìn tôi khẽ lắc đầu. Có lẽ nó nghĩ tôi đang đùa một câu đùa ngớ ngẩn như mọi khi. Nghỉ trưa xong, tôi và Nga bắt xe buýt (chúng tôi gần quê mà). Ngồi trên xe buýt Nga quay sang tôi:
- Hôm nay là chủ nhật, chắc bố tao được nghỉ.