Giếng cạn
Giếng cạn
Độ một tháng sau, tốp người Công ty ông doanh nhân Đài Loan về làm việc, họ ở tạm ủy ban xã. Tuyển thợ, đào tạo lại. Mở xưởng thêu. Về lâu dài thành lập Công ty con tại quê hương.
Bống chị và ông doanh nhân về sau mấy hôm. Ban ngày Bống chị và ông Đài Loan làm thủ tục mở xưởng thêu, chuẩn bị tuyển thợ. Ban tối, ô tô quành mấy chục cây số ra khách sạn ngoài thị xã ngủ.
Bống em đem đến đưa tôi một nắm vàng. "Chị Bống gửi trả cho anh Lăng. Lời lãi tính cả ở đó rồi". Một nắm vàng bằng bao nhiêu gánh phân trâu? Bao nhiêu hòn đất vượt? Bao nhiêu chuyến xe chở chã đất nung, chum vại sành? Một nắm vàng bằng bao nhiêu tình người? Cân! Đong! Đo! Đếm!... Tôi cười. Nụ cười héo hắt, cay đắng:
- Tôi có cho Bống chị vay đâu? Bống em mang về đi.
- Nhưng nó là của anh, là mồ hôi, nước mắt...
- Im ngay. - Tôi quát. - Không mang về ta sẽ ném vào đống phân trâu.
Bống em giật thót mình. Bặm môi, cho khỏi khóc Bống em bước xặm xụi về nhà trong bóng tối đường quê nhập nhoạng.
Đêm hôm ấy, tôi nằm úp thìa, khóc như mưa. Khóc cho mối tình bị phụ bạc. Khóc cho sự ngu đần của thằng con trai quanh năm không đi khỏi huyện.
Gái thôn nô nức ra ủy ban xã tuyển thợ thêu. Có vài đứa con trai èo uột cũng đi. Một dãy khung thêu mắc vải phin trắng và in hình mẫu mới để sẵn, chờ các thí sinh.
Tôi cũng ra ủy ban xã. Tôi không dự tuyển. Tôi là nam nhi, chí khí có thừa. Tôi đã gắng học bổ túc hết phổ thông. Tôi làm thùng đào thùng đấu, đánh xe trâu, biết thêu thùa may vá, biết chờ đợi. Tôi đi tìm Bống chị...
Bống chị nhìn tôi cười cười, bình thản như những người dân quê khác. "Không phân biệt thân sơ, Công ty chúng tôi lấy chất lượng làm chính. Bây giờ là 9 giờ sáng.
Anh chị em bắt đầu thêu." Tiếng Bống chị mà không phải chị Bống. Vậy là Bống và tôi: Như hai người quen biết sơ sơ ở làng. Như chưa từng cõng nhau qua chỗ lội. Như chưa từng chụm đầu học bài, tóc mai cháy xém.
Tôi ngồi trước khung thêu. Đảo mắt quanh không thấy Bống em. Chỉ có Bống chị ngồi kia, cao sang và bụi bặm, quý phái và nhà quê... Chưa bao giờ tôi bình thản như lúc này. Tôi như người đi thi tuyển thật sự, sẵn sàng kim chỉ đua với thời gian...
Kim với chả chỉ! Đợi với chả chờ! Hoài phí một đời trai. Trong đầu tôi lại vang lên tiếng còi tầu gióng giả. Còn đâu chuyến xe trâu chở nhau lên ga Xép, tiễn Bống đi đại học? Bống nhoài đầu qua ô cửa sổ tầu hỏa; Bống vẫy tay: "Lăng về đi. Cố đợi em nhá"...; cứ mồn một hiện lên trong đầu.
Tôi bỏ khung thêu đứng dậy. Coi như phần thi đã xong.
Mấy đứa cắm mặt vào khung thêu bên cạnh liếc sang. Chúng bịt miệng cười, nhưng tiếng cười cứ phì ra. Khung thêu vải phin trắng của tôi vẻn vẹn dòng chữ: "Tưởng giếng sâu, anh nối sợi dây dài...". Chữ thêu màu đen, chữ nào cũng nguệch ngoạc giống các cây cờ phướn đen cắm xiêu vẹo
Bống chị thấy bọn thợ thêu cười nhăn nhở, đi tới. Tôi đứng bình thản nhìn thẳng vào mặt Bống chị. Một nụ cười khẩy không phải đắc ý cũng chẳng ra đểu, tôi bước nhanh ra ngoài.
Chiều hôm ấy, tôi giao hết nhà cửa, vườn tược, xe bánh lốp, trâu dái nhờ thầy Đô nhà thơ trông coi, và bán tống bán táng hộ. Thầy bảo: "Lăng. Anh là người tốt. Người tốt lúc nào cũng khổ. Bây giờ sáng mắt chưa? Được cái anh còn trẻ. Anh đi, tôi tức cảnh sinh tình, làm thơ tặng. Để tôi đọc nhá".
Tôi nhẫn nại nghe hết bài thơ thầy Đô thì Bống em đến.
- Anh cho em đi với.
- Tôi không dây với chị em nhà Bống nữa. Rách việc
- Không cho em đi thì thôi. - Bống em sụt sịt. - Cầm lấy này. Của anh đấy.
Bống em dúi vào tay tôi bộ xà tích bạc. Trời ơi! Mắt tôi sáng lên. Bộ xà tích bạc của mẹ, tôi đã bán đền bức tranh thêu Phượng múa, tôi đã quên cả việc chuộc lại.
- Em sẽ nhất quyết giữ số vàng ấy cho anh. Nó là mồ hôi, nước mắt của anh. Anh đi rồi lại về nhá. Em chờ...
- Tôi đấm thèm vào! Không chờ đợi gì sất. - Tôi đập vai người lái xe Honda ôm. - Đi...