Pair of Vintage Old School Fru
Giếng cạn

Giếng cạn

Tác giả: Sưu Tầm

Giếng cạn


Nhưng tôi trị được con trâu dái bất kham này. Tôi đánh xe trâu chở thuê chum vại sành, nồi chã đất nung từ bến sông lên chợ Bút cho chủ hàng. Tôi chở thuê gạo nếp, nhân sen, đậu xanh, gà giò, thịt bò, dê non, bồ câu ra ràng, mèo đen..., tất cả đặc sản nhà quê lên ga Xép để chủ hàng đưa ra Hà Nội.


***


Năm thứ ba, Bống chị viết thư cho tôi thưa dần, năm thứ tư vắng hẳn. Tôi âm thầm chờ đợi.


Một hôm Bống em tìm tôi. Bống chị gửi thư cho Bống em. Bống viết: "Bống em ơi! Em ở nhà chăm nom anh Lăng thay chị nhé. Lăng con trai tồ lắm, ăn uống, ngủ nghê thất thường. Lăng vất vả vì chị nhiều rồi.


Em bảo Lăng đừng gửi tiền cho chị nữa nhé. Dặn Lăng làm được bao nhiêu gửi tiết kiệm, hay cho vay lãi, biết đâu sau này chị sẽ về quê."


Sao lại biết đâu?


Bống em an ủi:


"Thư là thế. Em chẳng biết nói với anh Lăng thế nào. Anh Lăng đừng buồn, còn có em ở nhà cơ mà."


Ngóng. Trông. Chờ. Đợi. Tôi đâm căng thẳng mệt mỏi. Tin ồn về làng. Người ta bảo Bống chị đã học xong, đang làm thư ký giám đốc ở Hà Nội. Bống chị cặp bồ luôn với lão già doanh nhân người Đài Loan ấy.


Bống em không tin người ta nói xấu chị gái. Cô tức tốc cơm đùm cơm nắm lên Hà Nội tìm chị. Bống em sẽ làm cho trắng đen rõ ràng. Bống em đi ba ngày, tôi mong cả ba.


Bống em đi bốn ngày tôi ngóng cả bốn. Bống em về. Mặt buồn rười rượi. Hỏi gì cũng không nói. Mẹ gạn hỏi, Bống em lắc quầy quậy. Tôi hỏi, Bống em rấn rấn nước mắt.


- Em không tìm được chị thì anh sẽ đi.


- Đừng đi Lăng ơi! Em xin anh. Bẽ bàng lắm. - Bống em mếu máo, can ngăn. - Anh chịu khó học ôn thi vào đại học. Em sẽ lam lũ gánh phân, cấy hái, em sẽ thêu Long hoá, Trúc đào, Phượng múa lấy tiền nuôi anh như ngày nào anh đã từng nuôi chị gái em.


Tôi lắc đầu, lòng rười rượi.


Tôi chưa kịp đi tìm thì Bống chị đi ô tô về.


Bống về cùng ông người Đài Loan tuổi ngoại ngũ tuần. Bống mặc quần bò, áo phông in hình con Chuột túi, phía dưới in dòng chữ tiếng Anh. Đầu tóc cuốn búp xoăn, nhuộm hoe hoe vàng.


Móng chân sơn đỏ choét. Mi giả uốn cong cong. Mí mắt tô xanh lè. Giầy cao gót nện trên đường quê khấp khểnh và lổn nhổn phân bò. Bống khoác xắc da nâu đỏ dập nổi hình con dao quăng.


Thỉnh thoảng Bống lấy gương soi, kẻ lại lông mày, tô son môi đậm thêm. Khác hoàn toàn, mất hết dấu vết cô Bống mặc quần phin mỏng, áo gụ, tóc buông vấn vương hương lá chanh lá bưởi ngày nào.


Bống về làm xôn xao thôn Cự Phú heo hút, buồn tẻ. Bống về như luồng gió hoang dại đánh thức cái làng quê trì trệ, tù túng, ngái ngủ.


Gặp người thôn, Bống chị chào, cuối câu đệm vài tiếng Anh bồi. Bống chia kẹo bánh cho trẻ con như phát chẩn năm ất Dậu. Bống biếu bánh mọi nhà trong thôn Cự Phú.


Bống bảo:


"Đừng gọi là Bống chị, quê lắm. Gọi cháu (chị, cô...) là Ngọc Bích". Ngọc Bích sắc sảo, khôn ngoan. Người thôn nhẩn nha, chậm rãi. Họ xì xào chuyện Ngọc Bích đưa ông doanh nhân về quê tìm hiểu nghề thêu truyền thống.


Ông ta hơn Bống ba mươi tuổi. Mặt tròn, trán bóng, bụng phệ. Mắt một mí, vừa gian giảo, vừa bề trên. Ông ta biết lấy lòng mọi người. Đến khung thêu nhà nào cũng nồng nhiệt bắt tay, cười thân thiện... ấy là Bống em kể, dân thôn kể.


Một chuyện rất buồn cười. Bọn trẻ trâu nhà quê láu lỉnh, ranh mãnh. Chúng thấy Bống chị như sinh vật lạ từ trên trời rơi xuống, nhìn ngứa mắt. Được chia kẹo mà chúng vẫn không tha Bống, chúng lùa cả đàn trâu, bò, bê, nghé lúc nhúc chặn trước mũi xe ôtô.


Còi ô tô nhẫn nại xin đường inh ỏi. Trâu bò kêu, bê nghé rống như bị chọc tiết, mãi mới chịu tản ra. Rồi bọn trẻ chăn trâu đồng thanh ê a:


... Em ra thành phố dần quên một thời...


Em tôi áo chẽn em tôi quần bò.


Lại hát: Tưởng giếng sâu, anh nối sợi dây dài


Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây.


Chắc Bống chị nghe được. Chiếc xe ôtô sang trọng bỗng tăng ga phóng vùn vụt. Bụi mù cuốn theo như cơn lốc.


Giếng cạn


Ngày trước, Bống chị không ngồi gác ba ga xe đạp thầy Đô nhà thơ. Nay, Bống ngồi ô tô anh già ngoại quốc; thầy giáo thù, dạy bọn trẻ con hát thơ chăng? Tôi không tin ông giáo tệ thế.


Buổi tối, Bống chị đã đi rồi, thầy Đô gặp tôi đứng ở cổng làng như chết chôn; thầy bảo: "Cảm ơn con bé Bống quá. Nó về làng làm thầy nẩy ra tứ thơ." Nghe xong, tôi rơm rơm nước mắt.